Trung thu có còn là cái Tết thứ hai của người Việt?

Trung thu có còn là cái Tết thứ hai của người Việt?

Ngày đăng: 14/08/2023 11:49 AM

    Hôm nay có siêu trăng, nếu bỏ lỡ, bạn sẽ phải đợi đến Tết Trung thu - cái Tết thứ hai của nhiều người Việt, trong đó có tôi và nhiều người khác còn tha thiết với Trung thu.

    Nói còn thiết tha với Trung thu là vì khi trưởng thành, không còn nhiều người coi Trung thu như Tết thứ hai. Giống như việc ngước lên bầu trời đêm. Bao nhiêu người lớn còn hứng thú với việc ngắm trăng và dõi tìm theo hàng triệu ngôi sao lấp lánh? Bạn còn nhớ lần gần nhất mình ngước mắt lên bầu trời một cách chủ ý? Trung thu năm ngoái bạn đã ở đâu, làm gì? Liệu Trung thu có giống như mặt trăng kia, đã lâu rồi, bạn quên mất nó?

    Trung thu của thời nay có phải đã và đang nhạt màu vì cuộc sống ngày càng hối hả? Những gì chúng ta nhìn chỉ là màn hình điện thoại, những ánh đèn màu nhấp nháy liên hồi, vô tri trên những thân cây, biển quảng cáo. Không còn những buổi tối yên bình ngắm sao. Có những thứ lấp lánh trong tuổi thơ dần trở nên cũ kỹ và chìm vào quên lãng.

    Trung thu của thời nay cũng không còn hấp dẫn với nhiều đứa trẻ. Chúng ta không thể trách chúng bởi bản thân những người làm cha làm mẹ cũng từng coi Trung thu là thứ cũ kỹ, trong ký ức và không còn ngóng đợi.

    Tôi nhớ mùa Trung thu trước, gia đình tôi với gia đình anh bạn quyết định tổ chức Trung thu cho trẻ con hai nhà. Chúng tôi leo lên tầng thượng khu chung cư nhà anh với tầm nhìn bao quát được cả sông Hồng lẫn Hồ Tây.

    Chúng tôi cũng chuẩn bị cả chó bưởi, đèn ông sao, bánh nướng, bánh dẻo vị truyền thống. Lũ trẻ ban đầu thích lắm. Nhưng rồi rất nhanh, chúng lại cắm đầu vào điện thoại, Ipad để xem những chương trình hấp dẫn trên đó. Chúng tôi, những người lớn khi đó đang bận nói với nhau về những dự án, công việc của mình. Đến khi nhìn lại chúng, cả đám thở dài chép miệng rằng: Bọn trẻ thời nay đã khác chúng ta hồi xưa.

    Nhưng tôi cũng nghĩ mãi, một cách nghiêm túc về việc: Liệu có phải lũ trẻ hôm nay không còn như lũ trẻ chúng ta hôm qua? Trung thu ngày nay đã nhạt màu và chẳng còn là cái Tết thứ hai của người Việt? Có phải vì những chiếc đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi không còn sức hấp dẫn bằng iPad, smartphone? Có phải vì bánh nướng, bánh dẻo chẳng phải chờ đến Trung Thu mới được ăn?

    Không! Tôi ngẫm ra, chính những người cha, người mẹ đã để Trung thu nhạt phai trong cuộc đời hối hả của mình. Như tối Trung thu nọ, chúng tôi bày biện đủ thứ nhưng lại nói chuyện với nhau về những dự án, công việc mình đang làm. Thứ lũ trẻ trông ngóng không chỉ là bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao, đầu sư tử, chó bưởi, giỏ thị... Những thứ đó sẽ vẫn hấp dẫn tụi trẻ nếu nó được đi cùng những kết nối về tuổi thơ của cha mẹ; những món đồ Trung thu đó nên gắn với những câu chuyện kể thay vì chỉ là thứ trang trí, trưng bày. Và hơn cả, nó phải gắn cùng ý nghĩa thực sự của Trung thu: Tết đoàn viên.

    Gia đình quây quần trong đêm Trung thu. Ảnh cắt từ MV Trung thu của ba

    Gia đình quây quần trong đêm Trung thu. Ảnh cắt từ MV Trung thu của bố

    Tôi có liên tưởng một cách khiên cưỡng không khi nghĩ về siêu trăng, ngày mặt trăng gần nhất với Trái Đất giống như lời nhắc chúng ta gần lại với nhau hơn vào mùa Trung thu? Cha mẹ và con cái không phải là mặt trăng với mặt trời mà là mặt trăng với Trái Đất. Bởi vì cha mẹ là mặt trăng nên cha mẹ luôn quay quanh con cái là Trái Đất vậy. Ta cũng lại là Trái Đất với cha mẹ của mình.

    Siêu trăng như lời nhắn gửi về những mong ngóng của cha mẹ muốn gần con cái mình thêm chút nữa. Năm tháng trưởng thành khiến không ít người dần có những cách biệt, xa rời cha mẹ. Khoảng cách thế hệ đó vĩnh viễn khó thay đổi. Nhưng thật may khi có những dịp lễ hội như Trung thu sắp tới, ta được gần con cái của mình hơn một chút.

    Trung thu là ngày đoàn viên nên mới được ưu ái gọi là Tết thứ hai của người Việt. Trung thu là ngày mỗi người được về nhà sum vầy. Về nhà mùa Trung thu sum vầy khác với về nhà khi Tết đến xuân về. Nếu Tết là cỗ bàn, lễ nghi thì Trung thu chỉ giản dị như một lời thăm hỏi. Với những đứa trẻ cũng vậy, nếu Trung thu là đoàn viên, là sum vầy, là kết nối giữa tuổi thơ của các thế hệ thì chắc hẳn chúng sẽ quan tâm hơn và không còn thờ ơ. Chúng ta sẽ ngồi sum vầy bên nhau, kết nối nụ cười của từng thành viên trong nhà, để ai cũng có thể mường tượng lại những kỷ niệm thời thơ ấu.

    Tôi sẽ không tổ chức lễ trông trăng mùa Trung thu này nữa. Tôi muốn đưa con về thăm ông bà. Tôi sẽ bỏ chiếc điện thoại xuống, không chụp ảnh check-in siêu trăng, không khoe lên mạng xã hội những hình ảnh gia đình quây quần đón Trung thu. Tôi không cần những cái like, những bình luận xuýt xoa của cộng đồng mạng.

    Tôi muốn quay về với gia đình, như mặt trăng bao đời vẫn chiếu sáng như thế, thứ ánh sáng thanh nhẹ, xoa dịu những tâm hồn. Rồi tôi sẽ kể với con mình về những thứ ánh sáng lấp lánh của tuổi thơ, của sự hồn nhiên trong trẻo, để các con của tôi có một đêm Trung thu chìm trong ánh trăng đúng nghĩa: Trung thu bên gia đình.

    Còn bạn, Trung thu này sẽ là cái Tết thứ hai của gia đình bạn phải không?

    Chia sẻ: